Logo NDUN
Lên đầu trang
Thứ năm, 28/03/2024 21:20


       Sáng 19/12/2017, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Hội Bác sỹ gia đình Việt Nam tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tuyến xã dựa vào y học gia đình, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tham dự hội nghị có PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; GS.TS Lê Ngọc Trọng – Chủ tịch Hội Bác sỹ gia đình Việt Nam; TS. Kidong Park – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đại diện Lãnh đạo và chuyên viên Vụ/Cục/Thanh tra Bộ, Lãnh đạo các Bệnh viện Trung ương và Hà Nội, đại diện Sở Y tế, Trung tâm Y tế và các đơn vị quan tâm đến chủ đề mô hình hoạt động và cơ chế tài chính cho y tế cơ sở.

Hiện có khoảng 84% dân số nước ta đã tham gia bảo hiểm y tế. Trong số hơn 17.000 dịch vụ y tế được bảo hiểm chi trả, có gần 200 kỹ thuật cao, chi phí lớn như: ghép tạng, can thiệp tim mạch... Danh mục thuốc cũng được mở rộng với hơn 1.000 thuốc tân dược và 19 loại thuốc điều trị ung thư. Tuy nhiên, khả năng cung ứng dịch vụ của các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là tuyến y tế cơ sở còn hạn chế. Việc phát hiện, sàng lọc, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm (bệnh mạn tính) chưa tốt và chưa được bao phủ rộng khắp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến 2,4% số gia đình phải chi phí y tế ở mức thảm hoạt và tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho khám chữa bệnh vẫn ở mức cao, hơn 40%, cao hơn mức 30% mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo.

19.12.2017 TT Tuan 1.JPG

PGS.TS Phạm Lê Tuấn trình bày tham luận tổng quan về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết hiện nay mô hình bệnh tật ở Việt Nam đã thay đổi với gánh nặng kép, vừa phải phòng chống bệnh truyền nhiễm, vừa phải đối phó với bệnh không lây nhiễm và tình trạng già hóa dân số gia tăng. Điều đó đòi hỏi những thay đổi từ hệ thống y tế. Trong đó tăng cường năng lực cho y tế cơ sở là giải pháp quan trọng để chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân. Đây cũng được coi là phương án tiết kiệm chi phí và bền vững nhất. Y tế tuyến huyện, tuyến xã là “người gác cổng của hệ thống y tế” và là nơi 70% số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cần được quản lý, điều trị.

Định hướng của y tế Việt Nam trong thời gian tới là phát triển hệ thống y tế bền vững theo hướng công bằng- hiệu quả-phát triển-chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Bên cạnh phát triển y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao, hiện đại thì cần phát triển y tế cơ sở để mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng ngay tại nơi sinh sống. Để góp phần đạt được mục tiêu đó, cần đầu tư phát triển ngành y tế theo hướng tăng chi tiêu công cho y tế, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ hộ gia đình cho y tế; phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, mở rộng dịch vụ y tế tuyến cơ sở.

Từ năm 2013, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án: “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020”. Năm 2014, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BYT ngày 22/5/2014 về việc hướng dẫn thí điểm về bác sỹ gia đình và phòng khám bác sỹ gia đình và năm 2016 phê duyệt kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016 - 2020.

Hội nghị sẽ diễn ra trong 02 ngày từ ngày 19/12 đến 20/12/2017.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

19.12.2017 TT Tuan 2.JPG

GS.TS Lê Ngọc Trọng – Chủ tịch Hội BSGĐ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

19.12.2017 TT Tuan 3.JPG

TS. Kidong Part – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

19.12.2017 TT Tuan 4.JPG

Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

19.12.2017 TT Tuan 6.JPG

PGS.TS Lương Ngọc Khuê trình bày BSGĐ tại Việt Nam, phương hướng phát triển đến năm 2020

       Theo Bộ Y tế

Tin liên quan