Logo NDUN
Lên đầu trang
Thứ năm, 25/04/2024 14:39


       Sáng 08/11/2017, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo xây dựng Thông tư hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Y học gia đình.

      Tham dự và chỉ đạo Hội thảo có GS.TS. Lê Ngọc Trọng – Chủ tịch hội Bác sỹ gia đình Việt Nam; PGS.TS. Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế; ThS. Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế cùng lãnh đạo và chuyên viên: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Khoa học và Công nghệ, Cục Y tế dự phòng, Cục Y dược cổ truyền, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch và tài chính, Vụ Bảo hiểm y tế cùng đại diện lãnh đạo Sở Y tế: Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, TP.HCM, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam… và Giám đốc một số Trung tâm y tế quận, huyện. 

TT Tuan ngay 8.11.2017.JPG

PGS.TS. Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo hội thảo

Bác sỹ gia đình là bác sỹ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gần dân nhất và thường xuyên gắn với cộng đồng. Bác sỹ gia đình là bác sỹ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình họ, theo dõi, quản lý, xem xét các vấn đề về sức khỏe của người bệnh trong cộng đồng.

Phát triển mô hình bác sỹ gia đình sẽ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế  theo hướng toàn diện, liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tải tuyến trên, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tiếp cận.

PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Y tế cho biết: 80% hoạt động trạm y tế Việt Nam đã là bác sĩ gia đình. Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, xuất  phát từ thực tiễn triển khai mô hình bác sĩ gia đình ở Việt Nam và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống, góp phần thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Mặc dù vậy, việc triển khai hoạt động bác sỹ gia đình ở Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: các loại hình hoạt động bác sỹ gia đình là gì? Danh mục dịch vụ do bác sỹ gia đình cung cấp bao gồm các nội dung gì? Cơ chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin giữa bác sỹ gia đình và các cơ sở y tế như thế nào? Các điều kiện để bác sỹ gia đình có thể hoạt động có hiệu quả? Xuất phát từ yêu cầu đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo cần xây dựng Thông tư về hoạt động bác sỹ gia đình phù hợp và khả thi.

TT Tuan ngay 8.11.2017 2.JPG

Toàn cảnh Hội thảo

 

Thông qua Hội thảo này, Bộ Y tế mong muốn nhận được các ý kiến góp ý tích cực, thẳng thắn, có trách nhiệm xuất phát từ thực tiễn để Thông tư hướng dẫn hoạt động bác sỹ gia đình có thể được hoàn thiện và ban hành trong năm 2017, đáp ứng nhu cầu của người dân và mong đợi của y tế cơ sở./.

Tin liên quan