Logo NDUN
Lên đầu trang
Thứ sáu, 29/03/2024 15:44


       Ngày 4/4/2017, tại Hà Nội Viện Y học ứng dụng Việt Nam trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đồ uống và sức khoẻ” nhằm cập nhật, cung cấp các thông tin khoa học hữu ích về các nhóm đồ uống và lợi ích của chúng với sức khỏe; thảo luận về vai trò của nước uống, nhu cầu nước uống đối với từng lứa tuổi và từng nhóm bệnh. PGS.TS.Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam chủ trì Hội thảo.

 

4.4.2017 Cô Xuyên anh 1.jpg

PGS.TS.Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, nước ngọt có ga là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh như: béo phì, sâu răng, tiểu đường, tim mạch, bệnh thận, gout, loãng xương, thậm chí ảnh hưởng đến bệnh hen và hệ thống sinh sản. Theo thống kê, tiêu thụ một lon nước ngọt có ga mỗi ngày có thể làm tăng gần 7kg cân nặng trong một năm. Bởi một lon nước ngọt 600 ml chứa lượng đường tương đương 36g. Một người mỗi ngày uống một lon nước ngọt 600ml, trong một năm sẽ tiêu thụ thêm 23 kg đường. Lượng đường này trong các loại nước uống tăng lực là 24g/lon 250ml. Do thành phần chủ yếu của nước ngọt có ga là: hương vị, chất tạo ngọt, khí CO2, chất bảo quản nên không tốt về mặt dinh dưỡng. Trẻ em, người già, người muốn giảm cân, mỡ máu, đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh thận không nên dùng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người tử vong vì sử dụng đồ uống có cồn đạt tới con số 3,3 triệu người tử vong/năm. Trung bình, việc lạm dụng rượu bia có thể làm giảm khoảng 5 năm tuổi thọ của con người. Lạm dụng rượu bia còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 bệnh và gián tiếp liên quan đến 200 bệnh như: xơ gan, ung thư, hệ thần kinh, tim mạch, đột quỵ… Lượng cồn càng nhiều thì độc tính càng cao và không phụ thuộc vào loại rượu.

4.4.2017 Cô Xuyên ảnh 2.jpg

TS.BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam phân tích các nhóm đồ uống với các lợi ích và hạn chế cho cơ thể

 

Tại Hội thảo, TS.BS. Trương Hồng SơnViện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tập trung phân tích các nhóm đồ uống với các lợi ích và hạn chế, đồng thời phân tích xu hướng toàn cầu trong việc sử dụng đồ uống có lợi cho sức khoẻ. Hiện nay, các khuyến nghị tập trung vào việc giảm sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia), giảm các loại nước ngọt có gas và tăng cường sử dụng các loại nước đóng chai, nước ngọt không gas ít đường và đặc biệt là các loại trà, trà thảo mộc ít đường. Các kết luận trong 20 nghiên cứu thử nghiệm và 297 tài liệu khoa học trong những năm gần đây đã cho thấy rõ vai trò của trà thảo mộc trong tăng cường sức khoẻ, chống viêm thông qua các cơ chế ức chế các chất trung gian gây viêm, ức chế hoạt động của các chất tiền viêm, tác dụng chống oxy hóa do có chứa các chất có tác dụng chống oxy hóa mạnh, có khả năng thu nhặt các gốc tự do, bảo vệ gan, phòng chống nhiễm vi khuẩn, virus, chống nấm và dự phòng một số bệnh mạn tính không lây. Các hiệu quả trên có được từ các hoạt chất chứa trong các loại thảo mộc như kim ngân hoa, cúc hoa, la hán quả, hạ khô thảo… hiện nay đang được áp dụng trong các loại sản phẩm trà tại nhiều nước trên thế giới và đang được áp dụng tại Việt Nam, như trà thảo mộc và các loại trà thảo dược khác.

Báo cáo của PGS.TS.Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng       Việt Nam đã nêu ra các khuyến nghị sử dụng đồ uống cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt là các đối tượng đang đối mặt với các vấn đề bệnh tật. Sử dụng đồ uống phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sức khoẻ sẽ được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới trên các phương tiện thông tin đại chúng vì mục tiêu sức khoẻ cộng đồng.

4.4.2017 Cô Xuyên ảnh 3.jpg

Quang cảnh Hội thảo

 

Cũng tại Hội thảo, Các nhà khoa học đã tập trung thảo luận và thống nhất các quan điểm chính theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về sức khoẻ, bao gồm 03 nội dung chính:1) Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khoẻ nhằm giảm sử dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam nhằm giảm các bệnh liên quan đến lạm dụng sử dụng rượu bia. Đặc biệt nghiên cứu sâu hơn về nước cho các đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ em và các bệnh lý khác nhau2Giảm sử dụng các đồ uống có nguy cơ gây ra các vấn đề sức khoẻ lâu dài: đồ uống có lượng đường cao, đồ uống sử dụng các phụ gia, hương liệu, hóa chất có hại cho sức khoẻ30 Tăng cường sử dụng các đồ uống truyền thống có nguồn gốc thiên nhiên như trái cây, các loại trà, trà thảo mộc có hàm lượng đường thấp. Sử dụng đồ uống cho từng đối tượng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe và bệnh tật./.

Nguồn: http://moh.gov.vn

Tin liên quan