Logo NDUN
Lên đầu trang
Thứ năm, 28/03/2024 17:14


       Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định với mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp, 11.739 trạm y tế (kể cả trạm y tế ngành), 91,8% thôn bản có nhân viên y tế, 684 bệnh viện huyện, 295 phòng khám đa khoa khu vực, Việt Nam hoàn toàn có thể bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân theo nguyên lý bác sĩ gia đình. 

10.10.2018 BT anh 1.jpg

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị 

       Hội nghị “Nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 trạm y tế điểm các tỉnh phía Nam” do Bộ Y tế tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM ngày 10/10/2018.

       Theo các chuyên gia, dân số Việt Nam hiện 70% sống ở nông thôn và 10% người cao tuổi nên đối tượng cần được quản lý, theo dõi, tư vấn, dự phòng và điều trị liên tục theo nguyên lý y học gia đình sẽ rất lớn. Việc quản lý các bệnh không lây nhiễm từ y tế cơ sở sẽ góp phần giảm gánh nặng chi bảo hiểm y tế do điều trị các bệnh không lây nhiễm ở các bệnh viện tuyến trên. 

10.10.2018 BT anh 2.jpg

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi thăm một trạm y tế xã tại Long An 

       Y tế cơ sở: Dự phòng, nâng cao sức khoẻ toàn dân

       Hiện nay, hệ thống y tế Việt Nam đang đứng vững trên cái kiềng ba chân. Đầu tiên là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải tiến môi trường bệnh viện tăng sự hài lòng của người bệnh. Thứ hai là đổi mới cơ chế tài chính y tế. Chân thứ ba vốn phải phát triển song song với công tác khám chữa bệnh là chăm sóc người bệnh sớm nhất, gần nhất và đặc biệt là dự phòng khi chưa bị bệnh bằng tuyến y tế cơ sở.

       “Y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, quận huyện, thị xã. Đây là nền tảng, là tuyến đầu và là người gác cổng của toàn hệ thống y tế. Y tế cơ sở là nơi chăm sóc sức khoẻ ban đầu, trực tiếp và gần dân nhất. Nhờ đó, người dân có thể dễ dàng tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội. Tăng cường các trạm y tế chính là một trong những biện pháp giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên,” Bộ trưởng Kim Tiến chia sẻ.

       Về dự phòng, nâng cao sức khoẻ, Việt Nam đã đạt rất nhiều thành tựu khả quan được quốc tế đánh giá cao, là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về y tế.

       Bao gồm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em; giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh; tăng tiếp cận nước sạch, điều kiện vệ sinh cơ bản; giảm tỷ lệ mắc, tử vong các dịch bệnh truyền nhiễm; giảm tỷ lệ mắc HIV xuống dưới 0,3% dân số; đạt mục tiêu kiểm soát sốt rét, lao, thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, bệnh phong.

       Bộ trưởng Bộ Y tế Kim Tiến nhấn mạnh, mô hình điểm trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình cần phải: truyền thông giáo dục và nâng cao sức khoẻ (hướng dẫn cai nghiện thuốc lá/rượu bia, chế độ dinh dưỡng giảm mặn, chăm sóc rang miệng/da…), quản lý bệnh mạn tính (theo dõi, cấp thuốc điều trị, chăm sóc giảm nhẹ ung thư…), chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - trẻ em, dược và y dược học cổ truyền.

       Phát triển y tế từ xa cho y tế cơ sở

       Bắt đầu từ đầu năm 2019, Bộ Y tế sẽ triển khai hệ thống y tế từ xa (telemedicine) tại 26 trạm y tế xã, phường điểm trong cả nước nhằm kết nối các trạm y tế với các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến tỉnh, sở Y tế, các bệnh viện tuyến Trung ương và Bộ Y tế. Đây sẽ là công cụ đắc lực giúp sức cho hệ thống trạm y tế xã, phường nâng cao năng lực khám chữa bệnh.

10.10.2018 BT anh 3.jpg
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi thăm một trạm y tế xã tại Long An  

       Theo đó, chỉ cần một màn hình máy tính và thiết bị đầu cuối trên nền tảng mạng internet có sẵn, cán bộ y tế trạm y tế xã, phường có thể kết nối với tuyến trên để tiếp nhận kiến thức y tế một cách nhanh chóng, kịp thời, tiện lợi bất cứ lúc nào mà không cần phải di chuyển lên tuyến trên. Bên cạnh đó, các bác sỹ bệnh viện tuyến trên có thể tham gia hội chẩn, chẩn đoán, hướng dẫn điều trị từ xa các ca bệnh tại trạm y tế, không cần phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

       Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến còn chỉ đạo các địa phương cần lập ngay và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân của người dân. Qua đó theo dõi, điều trị các bệnh không lây nhiễm, mạn tính đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng.

       Về tiến độ, Bộ trưởng chỉ đạo, trong năm 2018, các địa phương phải hoàn thành mô hình 26 trạm y tế xã điểm, tiến tới triển khai rộng khắp tại các trạm y tế xã, phường còn lại mà không cần chờ kết quả các trạm y tế làm điểm. “Mỗi tỉnh phải chọn 1 đến 2 huyện và một số trạm y tế xã để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong triển khai rộng rãi. Đến năm 2023 các địa phương phải hoàn thành việc đồng bộ hóa, phát triển hệ thống trạm y tế xã, phường,” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu.

       35% đã vượt tuyến không cần thiết

       Theo thống kê của Bộ Y tế, người dân chưa tin tưởng trạm y tế xã nên vượt tuyến không cần thiết. Cụ thể, 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến Trung ương có thể được điều trị ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể được điều trị ở trạm y tế xã, phường.

        Lễ ký cam kết tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho y tế cơ sở cá tỉnh phía Nam ngày 10/10/2018

       Nhiều người dân vẫn chưa quan tâm đến chăm sóc sức khoẻ ban đầu như dự phòng, nâng cao sức khoẻ bằng lối sống lành mạnh, tăng cường vận động, sống tích cực và năng động nên thường đến bệnh viện khi bệnh đã tiến triển xa và nặng.

       Trong khi đó, số lượng và chất lượng dịch vụ tại nhiềutrạm y tế xã còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít. Trạm y tế xã chỉ thực hiện được 50 - 70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến. Nhiều dịch vụ kỹ thuật còn rất bất cập như đặt nội khí quản, hút dịch màng phổi là những kỹ thuật cao không khả thi và thực tế đối với các trạm y tế xã, trong khi tiêm thuốc insulin cho bệnh nhân đái tháo đường lại còn không được phép.

       Theo PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế), khoảng trống điều trị hiện rất lớn. 70% bệnh nhân nhập viện là vì các bệnh không lây nhiễm. Cụ thể, tăng huyết áp không được phát hiện là 56,9% và trong số 43,1% bệnh nhân cao huyết áp được phát hiện, chỉ 13,6% được quản lý. Tăng huyết áp hiện đang là đại dịch, 10% người cao tuổi thường sẽ kèm theo 4 bệnh mạn tính, trong đó có tăng huyết áp. 4 trường hợp tử vong sẽ có 1 người vì mắc bệnh tim mạch.

       PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, chất lượng chuyên môn giữa các tuyến không chênh lệch nhiều do điều trị bệnh không lây mạn tính đã có phác đồ điều trị, quy trình kỹ thuật được chuẩn hoá và phổ biến rộng rãi./.

       Theo Bộ Y tế

Tin liên quan